Cai trị Tự_Đức

Tự Đức lên ngôi vào tháng 10 năm Đinh Mùi 1847 theo di chiếu của vua cha Thiệu Trị. Bấy giờ ông mới có 19 tuổi.

Quan lại dưới thời Tự Đức

Phần lớn triều thần thời Tự Đức là những người hấp thụ nền giáo dục Nho giáo nên không cập nhật được những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.[1] Hơn nữa Đại Nam đang trong tình trạng đóng cửa nên triều đình nhà Nguyễn có rất ít thông tin về thế giới bên ngoài. Họ chỉ nhìn nhận tình hình thế giới bằng con mắt của hàng trăm năm trước khi phương Tây chưa công nghiệp hoá trong khi phương Tây đã bỏ xa nước Đại Nam về công nghệ, kỹ thuật. Một số người ở Nghệ An đã xuất ngoại nên nắm bắt được tình hình thế giới đương thời mà điển hình là ông Nguyễn Trường Tộ. Khi về nước, Nguyễn Trường Tộ liền thỉnh cầu Hoàng đế gấp rút cải cách kẻo mất nước. Tiếc thay, quần thần ngăn cản nên ông cũng từ chối ban hành cải tổ.[1] Không phải tại vua Tự Đức không muốn cải cách đất nước nhưng vì tình trạng chung lúc đó giới quan lại và Nho sĩ Đại Nam chưa ý thức được sự cấp bách của việc cải cách nên nhà vua cũng không có quyết tâm thực hiện những cải cách quan trọng dẫn đến mất nước. Nhiều nhà sử học quy trách nhiệm về việc mất nước cho các quan lại cao cấp dưới thời Tự Đức. Tuy nhiên dưới thời ông cũng có một số trung thần xả thân vì nước như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu...[1]

Thuế má

Tiền vàng thời Tự Đức, trị giá một lạng vàng.

Thuế má trong nước dưới thời Tự Đức đại khái cũng giống như các thời Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847) trước đó,[2] nhưng từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha chiếm các tỉnh Nam Kỳ rồi lại phải bồi tiền binh phí mất 4 triệu nguyên, triều đình mới tìm cách lấy tiền, bèn phải cho quan Hầu Lợi Trịnh đánh thuế cao trong việc buôn bán thuốc nha phiến từ Quảng Bình đến Bắc Kỳ, tuy không nhiều. Sử sách chép rằng mỗi năm nhà vua thu được có 302.200 quan tiền thuế nha phiến.[2]

Nhà vua buộc phải dùng lối đời trước bán quan để lấy tiền, theo hình thức "quyên". Định lệ cho quyên từ 1.000 quan trở lên thì được hàm cửu phẩm, lên đến 10.000 thì được thăng hàm lục phẩm.[2]

Quân đội

Thời Tự Đức có nhiều giặc giã và là một thời rất loạn lạc ở Đại Nam. Có nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình cùng với thực dân Pháp âm mưu chiếm hết toàn cõi Đại Nam. Tuy nhiên quân đội nhà Nguyễn thời kỳ này lại sa sút rất nhiều. Theo sách Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước.[3] Một trong những lý do khiến cho tình hình quân đội sa sút là vấn đề tài chính. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Bộ binh được trang bị rất lạc hậu: 50 người mới có 5 khẩu súng, mỗi năm chỉ tập bắn 1 lần 6 viên đạn. Vũ khí được bảo dưỡng cũng kém. Về thủy binh, không có tàu hơi nước nào được đóng mới, thủy quân thậm chí không đủ khả năng để bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không còn chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo triều Trần. Đời sống binh lính không được quan tâm thỏa đáng, lương thực lại còn bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của binh sĩ không được cao.[3] Năm 1861, Tự Đức ra lệnh cho các tỉnh thành chọn lấy những thanh niên trai tráng khỏe mạnh để đi lính. Đến năm 1865, triều đình Tự Đức tổ chức khoa thi đầu tiên để tuyển chọn Võ tiến sĩ vào thời Nguyễn.

Tuy rằng Đại Nam lúc đó các tướng sĩ tài giỏi không thiếu nhưng thời thế đã khác xưa thế mà vẫn còn dùng gươm giáo. Khi ấy, thực dân Pháp đã có súng ống tân tiến do đó gươm giáo của Đại Nam không thể địch nổi. Tuy Đại Nam có nhân lực dồi dào, vũ khí hiện đại để chiến đấu thì lại thiếu thốn trầm trọng. Trong một đội gồm 10 binh lính thì mới có một khẩu súng cũ, phải châm ngòi bắn mới được. Mà quân sĩ không được tập bắn nhiều do sợ tốn tiền đạn dược. Bởi thế khi quân Pháp tới Đại Nam chẳng thể chống nổi.

Quan điểm nghệ thuật quân sự của vua quan triều Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của khoa quân sự trung cổ. Việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây thời vua Tự Đức khiến cho quân sự Việt Nam bị lạc hậu nhiều. Vì vậy, khi quân Pháp xâm lược Đại Nam năm 1858, khoảng cách về trang thiết bị với quân đội nhà Nguyễn đã khá xa.[3]

Thương mại

Tự Đức khước từ mọi giao thiệp với người phương Tây, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại.[4] Năm 1850, có tàu của Hoa Kỳ vào cửa Đà Nẵng, có quốc thư xin thông thương nhưng nhà vua làm ngơ không thèm tiếp thư.[4]

Từ năm 1855 đến 1877 các nước Anh, PhápTây Ban Nha nhiều lần có tàu vào cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và Quảng Yên xin thông thương cũng không được.[2] Mãi đến khi Gia Định bị thực dân Pháp chiếm đóng, việc ngoại giao giữa triều đình với các nước phương Tây khó khăn, Tự Đức mới thay đổi chính sách, đặt ra Bình Chuẩn Ty để lo buôn bán và Thượng Bạc Viện để giao thiệp với người nước ngoài nhưng không có kết quả vì những người được ủy thác vào các việc này không được học hành gì về ngoại giao.[2][5]

Việc cấm đạo Công giáo

Sau khi lên ngôi vào năm 1848 thì vua Tự Đức đã có dụ cấm đạo Công giáo,[4] cũng vì sự cấm đạo tàn nhẫn này mà thực dân Pháp sau này có cớ xâm chiếm Đại Nam.[4] Tự Đức nhận xét về Công giáo:

"Họ bảo Thiên Chúa tức là Thượng đế, Thượng đế là chúa tể của trời, tức là sáng tạo ra trời đất, vạn vật. Họ lại nói Thiên chúa không phải là trời, không phải là đất, không phải là lý, không phải là đạo, không phải là khí, không phải là tính, không phải là người, không phải là vật, không phải là quỷ, không phải là thần, đó là đầu mối của vạn vật, mà chính mình không bắt đầu từ đâu cả… đem so với Lão Tử khi nói “Vô danh là bắt đầu của trời vật, Đạo sinh ra một, một sinh ra hai” mới thấy thuyết của Gia Tô lại càng xuyên tạc thô sơ, họ chỉ biết mượn Thiên Chúa để che giấu cái dấu tích Gia Tô, và để làm văn hoa cho sự lầm lỗi vì đã thờ phụng xằng mà không kể gì đến gốc tích nữa".[6]

Một trong những tuyên cáo của Tự Đức có ghi:

Đạo Chúa hiển nhiên là trái với tự nhiên, bởi nó không tôn trọng các tổ tiên đã khuất. Các thầy giảng đạo gốc Âu Châu, là các kẻ đáng tội nhất, sẽ bị ném ra biển, với đá cột quanh cổ, và một phần thưởng ba mươi nén bạc sẽ được trao cho bất cứ ai bắt được một người trong họ. Các thầy giảng gốc Đại Nam ít tội hơn, và trước tiên sẽ bị tra tấn để xem họ có sẽ từ bỏ những sai lầm của mình hay không. Nếu từ chối, họ sẽ in dấu trên mặt và đày đi đến những vùng rừng thiêng nước độc. Còn những ngu-dân thì các quan phải ngăn-cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ-cúng cha ông, chứ đừng có giết hại...[4]

Ba năm sau đó, năm 1851, sự khoan dung này dành cho các linh mục bản xứ đột nhiên bị bãi bỏ. Từ đó dụ cấm đạo càng khắt khe hơn trước.[4] Từ đó về sau: "hoặc là họ phải chà đạp lên thánh giá, nếu không sẽ chém làm hai ở ngang lưng" (trảm yêu). Trong năm đó và năm kế tiếp, bốn vị giáo sĩ truyền đạo người Pháp đã bị chém đầu và thi thể bị ném trôi sông hay ra biển. Báo chí Công giáo tại Pháp kêu la trong sự kinh hoàng, và sự khích động đã thu nhận được một cảm tình viên nơi Hoàng hậu Pháp Eugenie, nhất là khi trong số các nạn nhân sau này có tên một vị tu sĩ Tây Ban Nha mà khi còn là một thiếu nữ, bà ta có quen biết tại Andalusia.

Về việc này, Trần Trọng Kim có lời bình:

Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi thế nước Pháp và nước I Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.[2]